Quan niệm Hồ Chí Minh về mục tiêu và động lực của chủ nghĩa xã hội

Hồ Chí Minh ý thức được rõ ràng giá trị của chủ nghĩa xã hội về mặt lý luận là quan trọng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là tìm ra con đường để thực hiện những giá trị này. Điểm then chốt, có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng của Hồ Chí Minh là đề ra các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể xây dựng chủ nghĩa xã hội trong mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau ở nước ta.

Câu hỏi. Quan niệm Hồ Chí Minh về mục tiêu và động lực của chủ nghĩa xã hội?

Trả lời:

- Những mục tiêu cơ bản

+ Hồ Chí Minh ý thức được rõ ràng giá trị của chủ nghĩa xã hội về mặt lý luận là quan trọng, nhưng vấn đề quan trọng hơn là tìm ra con đường để thực hiện những giá trị này. Điểm then chốt, có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng của Hồ Chí Minh là đề ra các mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể xây dựng chủ nghĩa xã hội trong mỗi giai đoạn cách mạng khác nhau ở nước ta. Chính thông qua quá trình đề ra các mục tiêu đó chủ nghĩa xã hội được biểu hiện với việc thỏa mãn các nhu cầu lợi ích thiết yếu của người lao động. Ở Hồ Chí Minh, mục tiêu chung của chủ nghĩa xã hội và mục tiêu phấn đấu của Người là một đó là độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân; đó là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.

+ Từ cách đặt vấn đề này theo Hồ Chí Minh, hiểu mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, nghĩa là nắm bắt nội dung cốt lõi con đường lựa chọn và bản chất thực tế xã hội mà chúng ta phấn đấu xây dựng. Tiếp cận chủ nghĩa xã hội về phương diện mục tiêu là một nét đặc sắc, thể hiện phong cách và năng lực tư duy lý luận khái quát của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh có nhiều cách đề cập mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.

+ Hồ Chí Minh quan niệm mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là nâng cao đời sống nhân dân. Đó là sự tin tưởng cao độ vào lý tưởng vì dân. Theo Người, muốn nâng cao đời sống nhân dân, phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu nâng cao đời sống toàn dân đó là tiêu chí tổng quát để khẳng định và kiểm nghiệm tính chất xã hội chủ nghĩa của các lý luận chủ nghĩa xã hội và chính sách thực tiễn. Trượt ra khỏi quỹ đạo đó thì hoặc là chủ nghĩa xã hội giả hiệu hoặc không có gì tương thích với chủ nghĩa xã hội.

 

+ Chỉ rõ và nêu bật mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh đã khẳng định tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội so với chế độ xã hội đã tồn tại trong lịch sử, chỉ ra nhiệm vụ giải phóng con người một cách toàn diện, theo các cấp độ: từ giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp xã hội đến giải phóng từng cá nhân con người, hình thành các nhân cách phát triển tự do.

Như vậy. Hồ Chí Minh đã xác định các mục tiêu cụ thể của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

-   Mục tiêu chính trị: Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chế độ chính trị phải là do nhân dân lao động làm chủ. Nhà nước là của dân do dân và vì dân. Nhà nước có hai chức năng: dân chủ với nhân dân. chuyên chính với kẻ thù của nhân dân. Hai chức năng đó không tách rời nhau, mà luôn luôn đi đôi với nhau. Một mặt, Hồ Chí Minh nhấn mạnh phải phát huy quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của nhân dân; mặt khác lại yêu cầu phải chuyên chính với thiểu số phản động chống lại lợi ích của nhân dân: chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa.

Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ con đường và biện pháp thực hiện các hình thức dân chủ trực tiếp, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội của quần chúng: củng cố các hình thức dân chủ đại diện, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, xử lý và phân định rõ chức năng của chúng.

- Mục tiêu kinh tế: Theo Hồ Chí Minh, chế độ chính trị của chủ nghĩa xã hội chỉ được bảo đảm và đứng vững trên cơ sở một nền kinh tế vững mạnh. Nền kinh tế mà chúng ta xây dựng là nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công - nông nghiệp hiện đại. khoa học - kỹ thuật tiên tiến, cách bóc lột theo chủ nghĩa tư bản được bỏ dần, đời sống vật chất của nhân dân ngày càng được cải thiện.

Nền kinh tê xã hội chủ nghĩa ở nước ta cẩn phát triển toàn diện các ngành mà những ngành chủ yếu là công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, trong đó “công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế nước nhà”.

Kết hợp các loại lợi ích kinh tế là vấn đề rất được Hồ Chí Minh quan tâm. Người đặc biệt nhấn mạnh chế độ khoán là một trong những hình thức của sự kết hợp lợi ích kinh tế.

-  Mục tiêu văn hóa - xã hội: Theo Hồ Chí Minh, văn hóa là một mục tiêu cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Văn hóa thể hiện trong mọi sinh hoạt tinh thần của xã hội đó là xóa nạn mù chữ, xây dựng, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, xây dựng phát triển văn hóa - nghệ thuật, thực hiện nếp sống mới, thực hành vệ sinh phòng bệnh, giải trí lành mạnh, bài trừ mê tín dị đoan, khắc phục phong tục tập quán lạc hậu

Về bản chất của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người khẳng định: “phải xã hội chủ nghĩa về nội dung”: để có một nền văn hóa như thế ta phải phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc, đồng thời học tập văn hóa tiên tiến của thế giới. Phương châm xây dựng nền văn hóa mới là: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Hồ Chí Minh đặt lên hàng đầu nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa là đào tạo con người. Bởi lẽ, mục tiêu cao nhất, động lực quyết định nhất công cuộc xây dựng chính là con người.

-  Các động lực của chủ nghĩa xã hội

+ Theo Hồ Chí Minh, những động lực biểu hiện ở các phương diện: vật chất và tinh thần; nội sinh và ngoại sinh, động lực quan trọng và quyết định nhất là con người, là nhân dân lao động. Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến lợi ích chính đáng, thiết thân của họ; đồng thời chăm

lo bồi dưỡng sức dân. Đó là lợi ích của nhân dân và từng cá nhân.

+ Nói con người là động lực của chủ nghĩa xã hội, hơn nữa là động lực quan trọng nhất. Hồ Chí Minh đã nhận thấy ở động lực này có sự kết hợp giữa cá nhân với xã hội. Người cho rằng, không có chế độ xã hội nào coi trọng lợi ích chính đáng của cá nhân con người bằng chế độ xã hội chủ nghĩa. Truyền thống yêu nước của dân tộc, sự đoàn kết cộng đồng, sức lao động sáng tạo của nhân dân, đó là sức mạnh tổng hợp tạo nên động lực quan trọng của chủ nghĩa xã hội

+ Nhà nước đại diện cho ý chí và quyền lực của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện chức năng quản lý xã hội, đưa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thắng lợi. Người đặc biệt quan tâm đến hiệu lực của tổ chức, bộ máy, tính nghiêm minh của kỷ luật, pháp luật, sự trong sạch, liêm khiết của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ Trung ương tới địa phương.

+ Hồ Chí Minh rất coi trọng động lực kinh tế, phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, làm cho mọi người, mọi nhà trở nên giàu có, ích quốc lợi dân, gắn liền kinh tế với kỹ thuật, kinh tế với xã hội.

+ Cùng với động lực kinh tế. Hồ Chí Minh cũng quan tâm tới văn hóa, khoa học, giáo dục, coi đó là động lực tinh thần không thể thiếu của chủ nghĩa xã hội.

Tất cả những nhân tố động lực nêu trên là những nguồn lực tiềm tàng của sự phát triển. Làm thế nào để những khả năng, năng lực tiềm tàng đó trở thành sức mạnh và không ngừng phát triển. Hồ Chí Minh nhận thấy sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của chủ nghĩa xã hội. Đây là hạt nhân trong hệ động lực của chủ nghĩa xã hội.

+ Ngoài các động lực bên trong, theo Hồ Chí Minh, phải kết hợp được với sức mạnh thời đại, tăng cường đoàn kết quốc tế, chủ nghĩa yêu nước phải gắn liền với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, phải sử dụng tốt những thành quả khoa học - kỹ thuật thế giới...

Nét độc đáo trong phong cách tư duy biện chứng Hồ Chí Minh là  chỗ bên cạnh việc chỉ ra các nguồn động lực phát triển của chủ nghĩa xã hội, Người còn lưu ý, cảnh báo và ngăn ngừa các yếu tố kìm hãm, triệt tiêu nguồn năng lượng vốn có của chủ nghĩa xã hội, làm cho chủ nghĩa xã hội trở nên trì trệ, xơ cứng, không có sức hấp dẫn, đó là tham ô, lãng phí, quan liêu... mà Người gọi đó là “giặc nội xâm”.

close